7 cách khác để hỏi bé “Ngày hôm nay của con thế nào?”

Khi đón các bé yêu từ trường học về, khoảng thời gian di chuyển trên đường về nhà là những khoảng thời gian quý giá để thực hiện trò chuyện hiệu quả với các con. Chồng tôi thường lấy khoảng thời gian này để hỏi han lũ trẻ. Câu chuyện thường bắt đầu bằng “Ngày hôm nay của con thế nào?”

Nhưng anh ấy sẽ hỏi mỗi ngày một cách khác nhau như thế này đây:

  1. Sáng nay con chọn góc chơi nào? Có bạn nào chơi cùng con? (Ở lớp bé hay chơi theo góc)
  2. Bạn Dưa Hấu (một bạn con hay nhắc tới ở lớp) hôm nay có chơi cùng con không? Các con chơi trò gì? Bạn mặc áo màu gì?
  3. Trưa nay con ăn món gì? Món gì con thích nhất?
  4. Hôm nay bạn nào ăn nhanh nhất lớp? Các con ăn món gì?
  5. Ngoài sân trường hôm nay có trò gì vui nhất nhỉ? Hôm nay con đã chào các bạn cây chưa?
  6. Teacher (Cô giáo Tiếng Anh) hôm nay dạy bài hát bài gì nhỉ? Hát cho ba mẹ nghe nào!
  7. Kể cho ba (mẹ) chuyện gì vui nhất hôm nay!

Bạn hẳn có những cách hỏi dễ thương khác, vui lòng chia sẻ để chúng tôi cùng học tập nhé!

pexels-photo-235554.jpeg

Một vài lưu ý khi hỏi bé:

  • Không dùng câu hỏi kiểu Có-Không. Đặc biệt không dùng các câu hỏi có chữ “KHÔNG” cuối cùng, vì tuổi này các bé còn hay nói vuốt đuôi, bạn sẽ thường nhận được câu trả lời là “không” cho những câu hỏi như thế, bất kể sự thật có là gì.
  • Đặt câu hỏi mở (cái gì, như thế nào, tại sao, ở đâu): Với các bé 2-3 tuổi thì những gợi mở giúp các con tư duy và quan sát.
  • Hỏi những điều có nghĩa: quan tâm tơi bé để có những câu hỏi thực sự. Để làm được điều đó, ba mẹ cần quan tâm bé: biết hôm đó bé có học môn gì, bé đặc biệt thích hoạt động gì, bạn nào bé hay chơi cùng, bé có học Tiếng Anh hôm đó không … Những câu hỏi trật lất của ba mẹ sẽ làm bé không hứng thú trả lời (nhất là các bé đã lớn 4-5 tuổi)
  • Không hối thúc bé phải có câu trả lời: có thể bé không trả lời rõ ràng những lần đầu. Nhưng những hôm sau bé sẽ để ý kỹ hơn để kể lại khi được hỏi.
  • Giao tiếp bằng mắt: Khi bé nói, cần chú ý tới bé, giao tiếp bằng lời và bằng mắt nữa. Thậm chí những cử chỉ âu yếm như một nụ cười, một cái gật đầu, một cái nắm tay bạn dành cho bé lúc bé trò chuyện cũng có tác dụng kích lệ ghê gớm. Chúng tôi cố gắng không dùng điện thoại khi đang trò chuyện với bé.
  • Không hỏi những câu “gài” hay tiêu cực kiểu như “Hôm nay có ai đánh con không? Cô có đánh con không? Con có bị phạt không? Những điều bạn quan tâm sẽ vô thức tạo thành một “hiện thực” trong đầu bé. Trước đó bé có thể còn chẳng biết “đánh” “phạt” là gì. Nếu muốn “điều tra” về vấn đề này, cần có một vài cách hỏi khác. Xin chia sẻ ở các bài viết sau.

Lana Phan Phan

Leave a comment